Giai đoạn giữa hai cuộc thế chiến Thiết_giáp_hạm

Trong nhiều năm, nước Đức đơn giản không có thiết giáp hạm. Thỏa thuận Đình chiến với Đức yêu cầu hầu hết Hạm đội Biển khơi Đức phải được tước vũ khí và bị chiếm giữ tại một cảng trung lập; nhưng do hầu như không thể tìm được một cảng trung lập phù hợp hay chịu chấp nhận, những con tàu này được Anh canh giữ tại Scapa Flow thuộc Scotland. Hiệp ước Versailles chỉ định rằng những con tàu phải được chuyển cho người Anh; nhưng thay vì vậy, đa số chúng bị thủy thủ đoàn Đức tự đánh đắm vào ngày 21 tháng 6 năm 1919, trước khi hiệp ước hòa bình được ký kết. Hiệp ước cũng giới hạn Hải quân Đức, và hạn chế Đức trong việc chế tạo hay sở hữu mọi tàu chiến chủ lực.[42]

Bản vẽ sơ đồ chiếc HMS Nelson, được đưa vào hoạt động năm 1927.

Trong giai đoạn giữa hai cuộc thế chiến, thiết giáp hạm phải tuân thủ theo những hạn chế quốc tế nhằm ngăn ngừa một cuộc chạy đua vũ trang tốn kém có thể xảy ra.[43]

Trong khi những người chiến thắng không bị giới hạn bởi Hiệp ước Versailles, hải quân của nhiều cường quốc trước đây bị tan tác sau chiến tranh. Đối mặt với viễn cảnh của một cuộc chạy đua vũ trang hải quân với Anh và Nhật Bản, và từ đó có thể đưa đến một cuộc chiến tranh tại Thái Bình Dương, Hoa Kỳ nhiệt tình vận động cho một sự thỏa thuận hạn chế trong Hiệp ước Hải quân Washington vào năm 1922. Hiệp ước này giới hạn số lượng và kích thước của thiết giáp hạm mà mỗi cường quốc có thể sở hữu, và yêu cầu Anh Quốc chấp nhận một sự ngang bằng với Hoa Kỳ cũng như từ bỏ sự liên minh với Nhật Bản.[44] Hiệp ước Washington được tiếp nối bởi một loạt các hiệp ước hải quân sau đó, bao gồm Hội nghị Hải quân Genève thứ nhất (1927), Hiệp ước Hải quân Luân Đôn thứ nhất (1930), Hội nghị Hải quân Genève thứ hai (1932), và cuối cùng là Hiệp ước Hải quân Luân Đôn thứ hai (1936), tất cả đều đặt ra các giới hạn cho các tàu chiến chủ lực. Các hiệp ước này chính thức mất hiệu lực vào ngày 1 tháng 9 năm 1939 lúc bắt đầu Chiến tranh Thế giới thứ hai, nhưng sự phân loại các lớp tàu mà các bên thỏa thuận vẫn còn được áp dụng.[45] Những sự giới hạn của hiệp ước có nghĩa là có ít thiết giáp hạm mới được hạ thủy trong giai đoạn 19191939 so với giai đoạn 19051914. Các hiệp ước cũng ngăn cản sự phát triển bằng cách đặt ra giới hạn tối đa cho trọng lượng của các con tàu. Các thiết kế như là kế hoạch lớp N3 của Anh, lớp South Dakota thứ nhất của Mỹ và lớp Kii của Nhật Bản, tất cả đều tiếp tục theo xu hướng tàu lớn hơn với súng lớn hơn và vỏ giáp dày, không bao giờ bước ra khỏi bản vẽ. Những thiết kế được đưa ra hoạt động trong giai đoạn này (trong giới hạn của hiệp ước) được gọi là những thiết giáp hạm hiệp ước.[46]

Sự nổi lên của sức mạnh không quân

Thử nghiệm ném bom đánh chìm thiết giáp hạm cũ của Đức SMS Ostfriesland (1909) tại Mỹ, tháng 9 năm 1921.

Ngay từ năm 1914, Đô đốc Anh Percy Scott đã tiên đoán rằng thiết giáp hạm sẽ nhanh chóng bị máy bay loại bỏ.[47] Vào cuối Thế Chiến I, máy bay đã sử dụng thành công ngư lôi như một loại vũ khí.[Ghi chú 4] Một cuộc tấn công được đề nghị nhắm vào hạm đội Đức đang buông neo vào năm 1918 sử dụng những chiếc máy bay ném bom-ngư lôi Sopwith Cuckoo xuất phát từ tàu sân bay từng được cân nhắc và bị hủy bỏ, nhưng cũng không lâu trước khi một kỹ thuật như vậy được áp dụng.

Trong những năm 1920, Tướng Billy Mitchell thuộc Quân đoàn Không quân Quân đội Hoa Kỳ tin tưởng rằng sức mạnh của không quân đã làm cho hải quân toàn thế giới trở nên lạc hậu, khẳng định trước Quốc hội rằng "1.000 máy bay ném bom có thể được chế tạo và đưa vào hoạt động với cái giá của một thiết giáp hạm", và một phi đội những máy bay ném bom như vậy có thể đánh chìm một thiết giáp hạm, khiến cho việc sử dụng ngân quỹ của nhà nước hiệu quả hơn.[48] Những phát biểu như vậy đã làm tức giận Hải quân Mỹ, nhưng dù sao Mitchell vẫn được phép tiến hành một loạt các thử nghiệm ném bom cẩn thận cùng với các máy bay ném bom của Hải quân và Thủy quân Lục chiến. Năm 1921, ông đã ném bom và đánh chìm được nhiều tàu, bao gồm chiếc thiết giáp hạm cũ "không thể chìm" thời Đệ Nhất thế chiến Ostfriesland của Đức và thiết giáp hạm Mỹ tiền-dreadnought Alabama.[49]

Cho dù Mitchell yêu cầu những "điều kiện trong thời chiến", những con tàu bị đánh chìm đã lạc hậu, đứng yên, không được bảo vệ và không có những đội cứu hộ kiểm soát hư hỏng. Việc đánh chìm Ostfriesland được hoàn tất là do vi phạm một thỏa thuận cho phép các kỹ sư hải quân khảo sát ảnh hưởng gây hư hại của các vũ khí khác nhau: những phi công của Mitchell đã bất chấp các quy luật và đánh chìm con tàu trong vòng vài phút trong một cuộc tấn công phối hợp. Cuộc biểu diễn trở thành tiêu đề nổi bật trên báo chí, và Mitchell tuyên bố: "Không con tàu nổi nào có thể tồn tại nơi mà không lực có thể hoạt động từ các căn cứ trên đất liền có khả năng tấn công chúng". Trong khi còn cách xa mục đích đề ra, thử nghiệm của Mitchell thật đáng chú ý vì nó đặt những kẻ ủng hộ thiết giáp hạm ở vào thế đối nghịch với sự phát triển không lực của Hải quân.[1] Chuẩn Đô đốc William A. Moffett đã tận dụng các quan hệ công chúng chống lại Mitchell nhằm mở đường cho việc phát triển chương trình tàu sân bay còn non trẻ của Hải quân Mỹ.[50]

Tái vũ trang (thập niên 1930)

Hải quân Hoàng gia Anh, Hải quân Hoa KỳHải quân Đế quốc Nhật Bản bắt đầu nâng cấp một cách rộng rãi và hiện đại hóa những thiết giáp hạm thời Đệ Nhất thế chiến của họ trong những năm 1930. Các tính năng mới bao gồm tăng chiều cao của tháp điều khiển và độ ổn định của máy đo tầm xa quang học (dành cho sự điều khiển tác xạ), vỏ giáp dày hơn (đặc biệt là chung quanh các tháp pháo) để bảo vệ chống lại đạn pháo bắn đến và bom ném từ trên không, cũng như bổ sung vũ khí phòng không. Một số tàu Anh được trang bị một khối cấu trúc thượng tầng lớn có tên lóng là "Lâu đài Hoàng hậu Anne ", như trên chiếc Queen ElizabethWarspite, vốn sẽ được sử dụng trên tháp chỉ huy mới của lớp thiết giáp hạm nhanh King George V. Các bầu bên ngoài được bổ sung nhằm cải thiện cả độ nổi chống lại sự gia tăng tải trọng lẫn việc bảo vệ dưới nước chống lại mìn và ngư lôi. Người Nhật tái cấu trúc tất cả các thiết giáp hạm cùng tàu chiến-tuần dương của họ với cấu trúc "tháp chùa" đặc trưng, cho dù chiếc Hiei có một tháp cầu tàu hiện đại hơn vốn sẽ ảnh hưởng đến thiết kế của lớp thiết giáp hạm mới Yamato. Bầu chống ngư lôi được trang bị, kể cả các bó ống thép để cải thiện sự bảo vệ dưới nước và bảo vệ ngang dọc theo mực nước. Người Mỹ thử nghiệm kiểu cột buồm dạng lồng và sau đó là dạng ba chân, mặc dù sau trận Trân Châu Cảng một vài chiếc bị hư hại nặng nề như West VirginiaCalifornia được tái cấu trúc với dáng vẽ tương tự như lớp Iowa đương thời (được gọi là cột ăn-ten dạng tháp). Radar, vốn có hiệu quả ngoài tầm nhìn bằng mắt cũng như hiệu quả khi trời hoàn toàn tối đen hoặc khi thời tiết xấu, được giới thiệu để bổ sung cho hệ thống kiểm soát hỏa lực quang học.[51]

Ngay cả khi nguy cơ chiến tranh tái xuất hiện vào cuối những năm 1930, công việc chế tạo thiết giáp hạm cũng không đạt được mức độ quan trọng như những năm trước Chiến tranh Thế giới thứ nhất. "Kỳ nghỉ đóng tàu" do những hiệp ước hải quân gây ra có nghĩa là khả năng chế tạo của các xưởng đóng tàu tương đối giảm sút trên toàn thế giới, và vị trí chiến lược của thiết giáp hạm cũng đã thay đổi. Việc phát triển máy bay ném bom chiến lược khiến cho hải quân không còn là phương tiện duy nhất thể hiện sức mạnh ở nước ngoài, và việc phát triển các tàu sân bay làm cho các thiết giáp hạm có một đối thủ tranh giành các nguồn lực dành cho việc chế tạo các tàu chiến chủ lực.

Tại Đức, Kế hoạch Z nhiều tham vọng nhằm tái vũ trang hải quân bị bác bỏ dành ưu tiên cho chiến lược chiến tranh tàu ngầm được bổ trợ bởi việc sử dụng các tàu chiến-tuần dương và lớp thiết giáp hạm Bismarck để cướp phá tàu buôn. Tại Anh, nhu cầu cấp thiết nhất là phòng không và hộ tống đoàn tàu vận tải nhằm đảm bảo an toàn cho cư dân khỏi các cuộc ném bom cũng như là sự đói kém; và kế hoạch đóng tàu tái vũ trang bao gồm năm chiếc thiết giáp hạm thuộc lớp King George V. Chính trong khu vực Địa Trung Hải là nơi mà các thế lực hải quân vẫn tiếp tục gắn bó với chiến tranh thiết giáp hạm. Pháp dự định chế tạo sáu thiết giáp hạm thuộc lớp Dunkerquelớp Richelieu, và Ý với hai chiếc lớp Littorio; cả hai nước này đều không đóng chiếc tàu sân bay đáng kể nào. Người Mỹ dự định chi tiêu giới hạn cho tàu sân bay cho đến khi hoàn tất lớp South Dakota thứ hai; và mặc dù người Nhật đang dẫn đầu thế giới trong việc đóng tàu sân bay, họ vẫn bắt đầu việc chế tạo ba chiếc thiết giáp hạm khổng lồ lớp Yamato (mặc dù chiếc thứ ba Shinano sau đó hoàn tất như một tàu sân bay) cùng dự định chiếc thứ tư mà cuối cùng bị hủy bỏ.[3]

Vào lúc bắt đầu cuộc Nội chiến Tây Ban Nha, Hải quân Cộng hòa Tây Ban Nha chỉ bao gồm hai chiếc thiết giáp hạm dreadnought nhỏ, EspañaJaime I. España (tên ban đầu Alfonso XIII), lúc đó thuộc lực lượng dự bị tại căn cứ hải quân Ferrol ở khu vực Tây Bắc, bị rơi vào tay lực lượng Quốc gia vào tháng 7 năm 1936. Thủy thủ đoàn trên chiếc Jaime I giết các sĩ quan chỉ huy, làm binh biến và gia nhập Hải quân Cộng Hòa. Do đó mỗi phe có một thiết giáp hạm; Tuy nhiên, nhìn chung Hải quân Cộng hòa thiếu hụt các sĩ quan có kinh nghiệm. Các thiết giáp hạm Tây Ban Nha chủ yếu tự giới hạn trong các hoạt động phong tỏa lẫn nhau, hộ tống các đoàn tàu vận tải và bắn phá bờ biển hơn là trực tiếp đối đầu với các đơn vị tàu nổi khác.[52] Vào tháng 4 năm 1937, España trúng phải mìn do lực lượng bạn rải và bị chìm với tổn thất nhân mạng nhẹ; rồi đến tháng 5 năm 1937, Jaime I bị hư hại do các cuộc không kích của phe Quốc gia và một sự cố mắc cạn. Con tàu bị buộc phải quay về cảng để sửa chữa, nhưng tại đây nó lại trúng thêm nhiều bom. Người ta quyết định kéo chiếc thiết giáp hạm đến một cảng an toàn hơn, nhưng đang khi trên đường đi con tàu chịu một vụ nổ bên trong khiến nó hoàn toàn loại khỏi hoạt động với 300 người thiệt mạng. Nhiều tàu chiến chủ lực của Ý và Đức đã tham gia cuộc phong tỏa không can thiệp. Vào ngày 29 tháng 5 năm 1937, hai máy bay phe Cộng hòa đã tìm cách ném bom chiếc thiết giáp hạm bỏ túi Đức Deutschland ngoài khơi Ibiza, gây hư hại nặng và tổn thất nhân mạng cao. Chiếc Admiral Scheer trả đũa hai ngày sau đó, bắn phá Almería gây ra sự phá hủy lớn, và hậu quả là sự kiện Deutschland đưa đến kết thúc việc Đức và Ý tham gia sự phong tỏa.[53]

Tại Liên Xô, Hồng quân hướng đến việc xây dựng một hạm đội đại dương hùng mạnh. Thiết giáp hạm "dự án 23" trở thành lực lượng tấn công chủ lực và cốt lõi. Chiến hạm đầu tiên loại này mang tên "Liên Xô" được đặt ky vào ngày 15 tháng 7 năm 1938 tại Nhà máy đóng tàu Baltic. Đồng thời, việc chế tạo các tàu "Ukraine Xô Viết" được bắt đầu ở Nikolaev, "Nước Nga Xô Viết" và "Belarus Xô Viết" ở Molotovsk. Những tàu chiến này là lớn nhất và mạnh nhất trên thế giới khi đó (trừ lớp Yamato của Nhật Bản). Tổng lượng giãn nước của mỗi chiếc vượt quá 65.000 tấn, chiều dài 270 mét, chiều rộng 38 mét. Công suất động cơ hơn 200 nghìn mã lực và cho phép đạt tốc độ tối đa 29 hải lý/giờ. Thủy thủ đoàn gồm 1.226 thủy thủ và 66 sĩ quan. Vũ khí chính là ba tháp pháo, mỗi tháp mang 3 khẩu pháo cỡ nòng 406 mm, bắn ra những viên đạn nặng 1.105 kg với cự ly tối đa khoảng 46 km. Hơn nữa, bản thân các thiết giáp hạm được bảo vệ rất tốt trước hỏa lực của đối phương. Đến tháng 6 năm 1941, tàu "Liên Xô" đã hoàn thành được 21%, "Ukraina Xô viết " - 18% và "Nước Nga Xô viết" - 5%, nhưng chiến tranh với Đức nổ ra khiến việc đóng các tàu này phải dừng lại. Vào ngày 10 tháng 9 năm 1941, các thiết giáp hạm này đã chính thức bị loại khỏi Hải quân Liên Xô và giải tán thủy thủ đoàn. Thân tàu được tháo dỡ một phần.

Liên quan

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Thiết_giáp_hạm http://www.airforce-magazine.com/MagazineArchive/P... http://www.chuckhawks.com/super_battleships_projec... http://www.combinedfleet.com/b_fire.htm http://www.combinedfleet.com/baddest.htm http://www.global-defence.com/1997/DefencePower.ht... http://vdict.com/battleship,1,0,0.html http://www.congress.gov/cgi-bin/cpquery/?sel=DOC&&... http://www.gpoaccess.gov/serialset/creports/pdf/hr... http://archive.is/20120710113839/findarticles.com/... http://www.chinfo.navy.mil/navpalib/ships/battlesh...